TUÂN THEO SỰ HƯỚNG DẪN
Cách dùng thuốc bôi (dùng một lượng bao nhiêu, bao lâu bôi một lần) cũng như kỹ thuật điều trị (peel da, lấy nhân mụn) khác nhau có thể đem lại hiệu quả rất khác nhau. Hãy tuân thủ hướng dẫn sử dụng của hãng đề ra hoặc hướng dẫn của bác sĩ/ người điều trị nếu bạn đã được tham vấn về liệu trình và được kê các sản phẩm điều trị.
CHO THUỐC THỜI GIAN
Thực tế là khi thoa, thuốc chỉ thấm vào da được 1% đến tối đa là 30%. Vì vậy cần đến 4-6 tuần để thấy hiệu quả và cần ít nhất 2-3 tháng để hết mụn. Nếu bạn nôn nóng thay đổi thuốc bôi liên tục không những làm mất dược lực của thuốc mà còn tăng khả năng kích ứng da, tiếp tục sinh thêm mụn nhiều hơn.
“HIỆP ĐỒNG TÁC CHIẾN” CÁC LOẠI THUỐC BÔI
Vi khuẩn, bít tắc lỗ chân lông, tăng tuyến dầu, quá trình viêm là các thành tố sinh mụn. Nếu chưa cải thiện sau 4-6 tuần với 1 loại thuốc bôi, hãy thêm một thuốc bôi khác nhằm tác động đến các nguyên nhân còn lại sinh mụn. Thuốc thứ hai phải tác động theo cơ chế khác với loại đã sử dụng.
Ví dụ như: BPO giúp giảm vi khuẩn C.acne; Retinoids; Salicylic Acid…
CHÚ TRỌNG LÀM SẠCH DA HƠN
Tránh việc lỗ chân lông bị bít tắc, da mụn cần chú ý làm sạch da mỗi ngày với tẩy trang & sữa rửa mặt phù hợp. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý rằng: Dù là da dầu nhiều cũng chỉ nên rửa mặt khoảng 2 - 3 lần/ngày, tránh gây kích ứng cho da, làm mụn nhiều hơn. Tốt nhất rửa mặt vào buổi sáng sau thức dậy, trước khi ngủ và sau khi mồ hôi ra quá nhiều.
Sử dụng thêm AHAs, BHA để làm sạch sâu lỗ chân lông hơn và hổ trợ điều trị mụn.
KHÔNG CHÀ XÁT VÙNG DA MỤN
Việc làn da nhờn dầu khiến bạn có cảm giác nó quá bẩn, mỗi khi rửa/ lau mặt bạn cứ muốn chà xát mạnh tay để lấy đi hết những thứ đó? Không nên bạn nhé!
Làn da đã có xuất hiện mụn viêm, việc chà xát làm tăng nhiễm khuẩn giữa vùng da mụn và làm tình trạng lây lan mụn nặng hơn. Ngoài ra da mụn thường đang rất nhạy cảm, việc chà xát sẽ gây kích ứng tăng và nổi mụn nhiều hơn nữa.
TRIỆT ĐỂ TRONG VẤN ĐỀ VỆ SINH
Giữ vệ sinh những vật dụng thường xuyên tiếp xúc gần vùng mặt như áo gối, nón, khẩu trang,…vv để triệu tiêu vi khuẩn, bụi bẩn tối đa. Nên giặt áo gối nằm với nước sôi, thay chăn mền drap giường mỗi 2-3 lần/ tuần. Thay khăn lau mặt mỗi ngày hoặc lau bằng khăn giấy…
LƯU Ý KHI LẤY NHÂN MỤN
Lấy nhân mụn là cách nhanh nhất giúp bạn sạch mụn. Tuy nhiên, nặn mụn thực ra lại có thể làm mụn nặng hơn hoặc gây rỗ nếu không đúng kỹ thuật. Nên thoa thuốc giúp gom cồi mụn trước khi đi lấy nhân và lựa chọn nơi uy tín tay nghề cao.
DÙNG NHỮNG SẢN PHẨM KHÔNG SINH NHÂN MỤN
Chú ý các dòng chữ như “non-comedogenic”, “non-acnegenic”, “oil-free” trên sản phẩm. Nên thử sản phẩm ở vùng da nhỏ trước để tránh việc dị ứng, kích ứng khiến da tồi tệ hơn.
DUY TRÌ SỰ CHĂM SÓC NGAY CẢ KHI ĐÃ HẾT MỤN
Mụn gần như là một bệnh mãn tính. Nhiều người vừa thấy tình trạng giảm mụn là ngưng điều trị ngay, một thời gian ngắn sau lại thấy mụn tái phát và tiếp tục điều trị, xoay vòng mãi. Hãy nhớ ngay cả khi đã hết mụn, bạn vẫn cần duy trì với thuốc bôi phù hợp và chăm sóc da cẩn thận.
ĐIỀU TRỊ BỞI NGƯỜI CÓ CHUYÊN MÔN
Nếu tình trạng mụn ngày càng nặng hơn như xuất hiện nang, nốt, mụn mủ nhiều, hãy đến gặp BS hoặc những người điều trị có kiến thức y khoa để được thăm khám và tư vấn liệu trình trị mụn phù hợp với bạn.
Với những phương thức điều trị hiện nay thì mụn không phải một bệnh lý gì quá nặng nề, tuy nhiên tình trạng nặng và thời gian lâu dần sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, cũng như hậu quả nặng nề (như sẹo rỗ) về sau. Phương hy vọng mọi người sẽ kiếm được giải pháp sớm cho riêng mình để làn da khoẻ mạnh trở về với các bạn sớm nhé!
Chủ bài viết: Nguyễn Quỳnh Phương